Quản trị màu sắc trong in ấn

Quản trị màu sắc trong in ấn | Các yêu cầu thường gặp liên quan đến màu sắc trong in ấn

  •  In giống mẫu khi các phương pháp in khác nhau như in kỹ thuật số giống offset, offset giống in ống đồng hay flexo
  • Màu sắc giống nhau trong một lần in từ đầu đến cuối, hay giống nhau giữa các lần in cùng một công việc trên cùng một máy in
  • Màu sắc giống nhau trên mọi vị trí của tờ in
  • Màu sắc giống nhau giữa các máy in
  • In chính xác màu spot như Pantone hay các màu đặc biệt mà không dùng màu pha riêng.

Điều gì gây nên sự khác biệt màu sắc trong in ấn

  • Ngay bản thân thiết bị in bất kể kỹ thuật số hay in truyền thống chúng ta không bao giờ có hai máy in giống hệt nhau
  • Phương pháp in khác nhau : Khả năng tái tạo màu sắc của in offset khác in ống đồng , khác in flexo etc
  • Vật liệu in, mực in khác nhau

Để thỏa mãn các yêu cầu về màu sắc trong điều kiện sản xuất thực tế chúng ta chỉ có một cách duy nhất là triển khai và hiện thực hóa hệ thống quản trị màu in (Print Color Management System). Để mô tả một cách tổng quát các bước để có thể thiết lập một hệ thống quản trị màu tốt nhất chúng ta dùng hình ảnh một kim tự tháp trong đó phần đế vững chắc là quá trình tiêu chuẩn hóa việc sản xuất in cho tới đỉnh là các tinh chỉnh theo điều kiện thực tế.

Kim tự tháp quản trị màu

1. Tiêu chuẩn hóa quá trình sản xuất in 

Không thể có một hệ thống quản trị màu hiệu qủa nếu thiếu một nền tảng tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất in. Một máy in inkjet có thể tạo ra bản in thử giống một mẫu in offset ngày hôm qua nhưng nó không giống mẫu in ngày hôm nay khi điều kiện in thay đổi. Một công ty như Coca Cola muốn màu đỏ của họ giống nhau trên toàn thế giới không phụ thuộc việc in ở đâu. Câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi in thử phải giống in thật hay ngược lại là in đúng chuẩn vd ISO 12647-7. Khi đó mẫu in thật hay in thử sẽ tự động giống nhau vì đều theo một chuẩn.

Việc điều chỉnh màu sắc thủ công theo kinh nghiệm để giống mẫu cũng đem lại kết quả chấp nhận được trong từng trường hợp đơn lẻ nhưng nó không bao giờ đảm bảo được khả năng lặp lại và độ chính xác theo thời gian (giữa các lần in) và không gian ( giữa các nhà in).

Tiêu chuẩn hóa quá trình in sẽ bao gồm các bước sau

– Hiện thực việc chuẩn bị các điều kiện in tiêu chuẩn theo khuyến cáo – môi trường , mặt bằng
– Tiêu chuẩn hóa các công đoạn sản xuất in từ chế bản tới in, thành phẩm
– Văn bản hóa tất cả các tiêu chuẩn trong in và kiểm tra kiểm soát liên tục các thông số của từng công đoạn, từng tác vụ sản xuất in.
– Xác định điêu chuẩn chất lượng in và quan trọng hơn là sai số cho phép.
– Lượng hóa sự chờ đợi về chất lượng in của khách hàng một cách chính xác.
– Bảo đảm tất cả các thiết bị liên quan đến màu sắc ( Phần mềm phần cứng, thiết bị đo) đều thỏa mãn các tiêu chuẩn mới nhất. Được cân chỉnh và chứng nhận hàng năm.
– Thiết lập hệ thống kiểm tra QC và kiểm soát QA chất lượng đối với tất cả các nhà cung cấp , khách hàng
– Tiêu chuẩn hóa tất cả các thông số kỹ thuật liên quan đến công việc in ( Tram, giá trị màu, loại vật liệu, thông số máy in.

   Mục tiêu của tiêu chuẩn hóa sản suất in là lượng hóa được tất cả các yếu tố trong quá trình sản xuất để kiểm tra và kiểm soát chất lượng . Đảm bảo luôn có khả năng lặp lại kết quả in.

2. Bảo dưỡng và bảo trì máy in 

Việc bảo dưỡng và bảo trì máy in nhằm duy trì khả năng in tối ưu của thiết bị. Khi tiến hành tạo ICC profile cho một máy in là chúng ta đang mô tả không gian màu lớn nhất mà thiết bị có thể tái tạo được. Chính vì thế để bảo đảm thiết bị ở trạng thái tối ưu , phải có một kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng định kỳ. Cân chỉnh máy ( Calibration) đúng quy trình của nhà sản xuất. Đối với máy in offset việc cân chỉnh lô mực, khóa mực, vị trí – áp lực lô chà bản thường không được tiến hành một cách định kỳ và đúng đắn. Chúng tôi đã gặp những trường hợp máy in offset mới sau 2 năm sử dụng chỉ còn duy nhất một lô chà bản tiếp xúc với ống bản trong số 4 lô.

3. Chuẩn hóa vật tư đầu vào

Vật tư sử dụng trong in ấn đóng vai trò quyết định đến việc tái hiện màu sắc là điều ai cũng nhận thấy, chính vì vậy muốn giữ ổn định màu sắc thì điều kiện tiên quyết là giữ ổn định vật tư đầu vào. Mỗi ICC profile mô tả không gian màu của máy in thật ra là ICC profile mô tả không gian màu của một tập hợp vật liệu in, mực in, điều kiện in trên một máy in cụ thể. Muốn tái tạo lại không gian màu đó thì tất cả các điều kiện in, vật tư phải được sử dụng lặp lại một cách chính xác. Các thông số liên quan đến vật tư được định nghĩa một cách rất rõ ràng và chi tiết trong ISO 12647.

4. Cân chỉnh máy in

Cân chỉnh máy in không chỉ bao gồm cân chỉnh cơ khí , lô mực mà còn bao gồm cân chỉnh khả năng in của máy in như tốc độ phản ứng khi điều kiện in thay đổi, độ tăng tầng thứ, khả năng cấp mực khi chạy đơn hàng dài.

Ngày nay CIP4 đã được ứng dụng rộng rãi trong việc thiết lập độ mở khóa mực máy in offset từ các dữ liệu chế bản nhưng điều quan trọng nhất mà chúng ta thường bỏ qua là các dữ liệu này có phù hợp với điều kiện in thực tế hay không? Trong thực tế thì chúng ta vẫn phải điều chỉnh khóa mực khi canh bài đến khi đạt được độ đậm mực như mong muốn. Tất cả các máy in hiện đại đều cho phép ảnh hưởng đến độ mở khóa mực từ dữ liệu CIP4 thông qua việc lựa chọn ink curve tương ứng với vật liệu in và mực in, nhưng các ink curve này cần phải tinh chỉnh theo loại vật tư in thực tế đang được sử dụng tại chỗ. Việc tinh chỉnh này không phải là dễ dàng và tốn kém chính vì thế việc giữ ổn định vật tư đầu vào càng trở nên cấp thiết nếu muốn sử dụng hiệu quả CIP4.

Để cấp mực từ máng mực đến lô chà bản phải đi qua một quãng đường dài, mỗi điều chỉnh khóa mực cần có một khoảng thời gian nhất định để những thay đổi đó thể hiện trên tờ in. Khởi động lại máy in sau khi dừng máy, thay đổi công việc in từ sản phẩm có độ phủ mực cao sang độ phủ mực thấp hay ngược lại, tất cả đều cần thời gian để hệ thống mực phản ứng với sự thay đổi. Thời gian này dẫn dến phế phẩm và sự ổn định màu sắc. Để khắc phục hạn chế này của in offset, các máy in mới đều có chức năng Pre- Inking cho phép cấp mực trước khi ép in. Chức năng này hoạt động hiệu quả tới đâu lại phụ thuộc vào điều kiện in thực tế và cần tinh chỉnh.

Tinh chỉnh Ink curve và Pre-inking nhằm mục đích với các dữ liệu CIP4 lần chạy máy đầu tiên sẽ đạt các giá trị màu tiêu chuẩn mà không cần điều chỉnh thủ công. Heidelberg đã đưa ra dịch vụ PCM – quản trị màu in như một điều kiện cần cho việc tiêu chuẩn hóa theo ISO 12647.

5. Chất lượng in và chuẩn màu

Để đánh giá chất lượng in và chuẩn màu cần có các test form tiêu chuẩn và được định nghĩa rõ ràng. Tất nhiên các tiêu chuẩn này cùng với test form là để đánh giá tình trạng thiết bị, khả năng in nội bộ. Các test form phổ biến như của GATF hay QE của Heidelberg. Các tiêu chuẩn màu sắc CMYK của ISO 12647 và màu pha của Pantone là những tiêu chuẩn được chấp nhận rông rãi.

6. Tạo ICC profile

Tất cả các hệ thống quản trị màu ngày nay đều dựa trên ICC profile chính vì thế việc tạo ICC đóng vai trò quan trọng. Độ chính xác và ý nghĩa sử dụng của một ICC profile phụ thuộc vào việc có thực hiện đúng và đủ các bước trên hay không. Một ICC profile phải mô tả chính xác không gian màu của một thiết bị trong điều kiện in cụ thể. ICC profile này sẽ được sử dụng trong quá trình chuyển đổi không gian màu giữa các thiết bị (Color mapping) hay tái tạo màu sắc ( Color Emulation, Color Match).

7. Tinh chỉnh

Điều kiện in thực tế thì luôn biến động , chính vì thế cần thiết phải có khả năng tinh chỉnh khi có thay đổi nhỏ như điều chỉnh bù trừ tăng tầng thứ trong chế bản hay độ trắng của giấy trong ICC profile. Nếu các thay đổi quá lớn vượt ra ngoài sai số cho phép thì bắt buộc phải quay lại kiểm tra và đưa vào quy trình ngay từ đầu.

***Các điều kiện cần và đủ để thực hiện thành công một hệ thống quản trị màu hiệu quả được hình tượng như một kim tự tháp từ chân đế đến đỉnh như sau:

– Tiêu chuẩn hóa quá trình sản xuất in
– Bảo dưỡng và bảo trì máy in
– Chuẩn hóa vật tư đầu vào .
– Cân chỉnh máy in
– Chất lượng in và chuẩn màu
– Tạo ICC profile
– Tinh chỉnh

   Kim tự tháp quản trị màu này có thể được sử dụng như một hướng dẫn các bước khi đánh giá, tìm lỗi của một hệ thống khi có kết quả không như mong muốn. Quản trị màu có ý nghĩa quản trị hệ thống nhiều hơn là việc mua một phần mềm hay máy in và nó cần đầu tư về kiến thức, quy trình cũng như mục tiêu khi thiết lập hệ thống.

(Nguồn: Vision in Print)

Công ty TNHH Đầu tư LEFAMI (STS Hà Nội) là nhà phân phối các sản phẩm in kỹ thuật số chính hãng Konica Minolta với các model 2018 cải tiến, mới nhất: Konica Minolta C2060 – Konica Minolta C2070P – Konica Minolta C6085 – Konica Minolta C6100

Để biết thêm thông tin chi tiết về sản phẩm, dịch vụ, báo giá máy in Konica Minolta, quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới:


Chi nhánh Hà Nội – Công ty TNHH Đầu tư LEFAMI

Nhà phân phối máy in màu công nghiệp Konica Minolta Việt Nam

  • Địa chỉ: Số 21 Đỗ Quang – Quận Cầu Giấy – Hà Nội
  • Liên hệ: Vũ Tiến Đạt – Phụ trách kinh doanh PP
  • Điện thoại: 0944.299.288
  • Email: mrvu.konica@gmail.com
  • Website: http://mayinmau.org

máy in màu công nghiệp konica minolta

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *